Ngocngoctan chào các bạn

Just another WordPress.com weblog

2.5.Những biện pháp ổn định tiền tệ và kiềm chế lạm phát

Posted by ngocngoctan trên 11/03/2010


Tìm hiểu thêm:

——————————–

2.5.Những biện pháp ổn định tiền tệ và kiềm chế lạm phát

Khi lạm phát đã xảy ra nặng nề và nghiêm trọng thì chính phủ của các nước phải tìm cách để chống lại lạm phát nhằm hồi phục sức mua của đồng tiền. Nói như vậy có nghĩa là việc tghực hiện các biện pháp ổn định tiền tệ và kiềm chế lạm phát sẽ trở thành một trong những chính sách lớn trong quá trình phát triển kinh tế của mỗi nước.

Ổn định tiền tệ nói chung và kiềm chế lạm phát nói riêng là việc nhà nước áp dụng các biện pháp về kinh tế, tài chính, kỹ thuật để ổn định sức mua của đồng tiền tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Trong thời kỳ các nước công nghiệp phát triển gắn với chế độ bản vị vàng, ổn định tiền tệ là áp dụng các biện pháp để khôi phục lại quan hệ bình thường giữa tiền giấy so với vàng. Với mục tiêu đó, các nước đã từng áp dụng các biện pháp cải thiện như:

-Biện pháp loại bỏ tiền giấy không khả hoán (Annulation)

-Biện pháp khôi phục (Restoration)

-Biện pháp phá giá tiền tệ (Devaluation)

Trong thời đại hiện nay, trên danh nghĩa pháp lý, vàng không còn là cơ sở của lưu thông tiền tệ, không còn là cơ sở bảo đảm trực tiếp cho tiền giấy lưu thông trong nước nữa thì các biện pháp ổn định và kiềm chế lạm phát đã có sự thay đổi quan trọng. Ổn định tiền tệ ngày nay là ổn định sức mua của tiền giấy trên cơ sở ngăn chặn leo thang của giá cả hàng hóa bằng các giải quyết các vấn đề của mối quan hệ giữa tiền và hàng. Nhưng dù có áp dụng biện pháp gì đi nữa thì các mục tiêu cơ bản vẫn phải đạt được, nếu không thì chính sách tiền tệ và kiềm chế lạm phát sẽ không có đầy đủ ý nghĩa của nó. Những mục tiêu đó là ổn định sức mua của đồng tiền, ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm…Như vậy việc áp dụng các biện pháp đó có thể bao gồm các biện pháp có tính chất chiến lược cùng các biện pháp cấp bách trước mắt.

2.5.1.Những biện pháp cơ bản chiến lược

Biện pháp cơ bản chíến lược nhằm tác động đồng bộ lên mọi mặt hoạt động của nền kinh tế, với ý tưởng tạo ra một sức mạnh vào tiềm tiềm lực  nền kinh tế của đất nước. Một quốc gia có nền kinh tế phát triển tốt và ổn định thì ở đó đồng tiền được ổn định vững chắc, lạm phát ít có cơ hội để phát triển bộc phát. Những biện pháp cơ bản chiến lược chưa thể phát huy tác dụng ngay, nhưng nếu không áp dụng biện pháp đó thì tình trạng lạm phát, tình trạng rối loạn của lưu thông tiền tệ sẽ xảy ra triền mien không lối thóat.

Những biện pháp cơ bản chiến lược có thể bao gồm những biện pháp như:

-Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn:

Ở Việt Nam, kể từ khi đẩy mạnh phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, chuyển đổi cơ chế quản lý từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có điều tiết, đã có tác dụng rất to lớn.

-Điều chỉnh cơ cấu kinh tế, phát triển ngành mũi nhọn:

Ổn định cơ cấu kinh tế nhằm đáp ứng được nhu cầu cơ bản về đời sống và việc làm của người lao động, do đó tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia mà có những chiến lược điều chỉnh cơ cấu kinh tế khác nhau. Ở Việt Nam cơ cấu kinh tế được điều chỉnh theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, trước mắt nông-lâm-ngư nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng, phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ (ngân hàng-bưu điện-du lịch…)

Cơ cấu kinh tế hợp lý sẽ tạo cho nền kinh tế phát triển mạnh và chắc chắn. Ngoài ra, còn phát triển ngành kinh tế mũi nhọn xuất khẩu, bởi vì trong điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế quốc tế thì hoạt động ngoại thương nói chung và xuất khẩu nói riêng có vị trí quan trọng, nó vừa tạo ra nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia vừa tác động đến các hoạt động của các ngành kinh tế khác, ổn định lưu thông tiền tệ trong nước.

-Nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước:

Vai trò của Nhà nước đối với quản lý kinh tế rất to lớn. Nhà nước là nguời duy nhất đảm bảo tính công bằng và ổn định kinh tế, đồng thời Nhà nước có thể tác động thúc đẩy hiệu quả và tăng trưởng kinh tế.

Bằng các công cụ về pháp luật, tài chính, giá cả, tiền tệ…đã tác động đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế xã hội, do đó việc nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước được coi như là biện pháp mang tính chiến lược để ổn định tiền tệ, tinh giảm biên chế, kiệm toàn bộ máy quản lý hành chính.

2.5.2.Những biện pháp cấp bách trước mắt

Biện pháp cấp bách trước mắt để ổn định tiền tệ và chống lại lạm phát được thực hiện trong hoàn cảnh lạm phát xảy ra nghiêm trọng, cơn sốt lạm phát cao thì có tác dụng nhưng chóng hơn. Những biện pháp như vậy được gọi là biện pháp tình thế để đối phó với thực trạng báo động của tình hình tiền tệ, giá cả.

-Biện pháp tiền tệ tín dụng: Xuất phát từ quan điểm cho rằng lạm phát bao giờ cũng là hiện tượng của tiền tệ, năm biện pháp ổn định tiền tệ và chống lạm phát phải bắt đầu từ lĩnh vực tiền tệ-tín dụng:

  • Quản lý chặt chẽ việc cung ứng tiền.
  • Quản lý và hạn chế thật mạnh khả năng “tạo tiền” của ngân hàng thương thương mại bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, xiết chặt tín dụng.
  • Nâng cao lãi suất tín dụng để thu hút tiền mặt trong nền kinh tế-xã hội, làm giảm lượng tiền cung ứng, mặt khác, nâng cao lãi suất tín dụng cũng làm giảm khả năng mở rộng tín dụng của ngân hàng thương mại.
  • Trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp cải cách tiền tệ, phát hành tiền mới thu hồi tiền cũ, lập lại trật tự trong lưu thông tiền tệ.

-Biện pháp với tài chính ngân sách: áp dụng biện pháp về tài chính ngân sách có ý nghĩa quan trọng và then chốt, bởi vì người ta đều đồng ý rằng sau khủng hoảng của hệ thống tài chính Nhà Nước, ngân sách bị thâm hụt là nguyên nhân chính của lạm phát, do đó nếu dập tắt được nguyên nhân này thì tiền tệ sẽ ổn định, lạm phát được kiểm soát.

  • Trước hết phải tìm cách để giảm dần bội chi tiền tạo thăng bằng thu chi ngân sách bằng cách tiết kiệm chi, nhất là những khoản chi cho bộ máy quản lý hành chính, những khoản chi chưa thật cấp thiết cũng cần phải cắt bớt hoặc giảm thiểu để làm giảm sự căng thẳng của ngân sách.
  • Tăng cường bồi dưỡng và mở rộng các khoản thu từ nền kinh tế, chống thất thu thuế, đồng thời phải thực hiện thu đúng, thu đủ, công bằng để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống.
  • Sử dụng tín dụng nhà nước bằng cách vay trong nước và nước ngoài.
  • Trong nước phát hành trái khoán Nhà nước ngắn hạn, trung và dài hạn như tín phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ…Tăng các khoản vay và viện trợ từ bên ngoài với các điều kiện ưu đãi.

-Ngăn chặn sự leo thang của giá cả: Sự leo thang của giá cả do tác động bởi nhiều yếu tố như sản xuất xuất kém, cung cầu hàng hóa trên thị trường mất cân đối làm giá cả hàng hóa bị đẩy lên cao, cũng có thể do lượng tiền cung ứng tăng cao hơn tố độ tăng của sản xuất, ngoài ra còn có yếu tố tâm lý, đầu cơ…

Việc áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự leo thang của giá cả trước hết cần phải giải quyết ở khâu lưu thông phân phối như thực hiện mậu dịch tự do, nới lỏng hàng rào thuế quan để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa.

Có thể can thiệp bằng vàng và ngoại tệ bằng cách bán ra để ổn định giá vàng, giá ngoại tệ, từ đó tạo tâm lý ổn địn giá cả các loại mặt hàng khác. Mặt khác, quản lý thị trường tốt, chống buôn lậu, chống độc quyền, tranh mua tranh bán…

*Những phương thức chống lạm phát ở các nước phát triển

Ở các nước phát triển, người ta thường đeo đuổi việc thực hiện một chính sách kinh tế vĩ mô nào đó mà việc thực hiện một chính sách như vậy thường cũng sinh ra lạm phát.

Trước hết đó là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết nạn thất nghiệp. Các nhà nghiên cứu kinh tế ở Mỹ và các nước tư bản phát triển đã thống nhất rằng khi chính phủ muốn thực hiện chỉ tiêu công ăn việc làm cao (thất nghiệp giảm) có thể dẫn đến lạm phát. Kế đến phải nói đến thâm hụt ngân sách, hầu như ai cũng thừa nhận giảm thâm hụt ngân sách và lạm phát là bạn đồng hành với nhau. Tuy vậy, nếu thâm hụt ngân sách được trang trãi bằng các khoản vay của Chính phủ (bán trái khoán) thì nó sẽ không gây lạm phát. Thâm hụt ngân sách chỉ gây ra lạm phát khi nó được bù đắp bằng việc phát hành tiền.

Việc lựa chọn phương thức chống lạm phát ở các nước không hoàn toàn giống nhau, ngay cả ở một nước, trong những thời kỳ khác nhau người ta cũng áp dụng những phương thức khác nhau. Nhìn chung, có hai loại phương thức dưới đây:

-Phương thức “hạn chế tiền tệ”-kiểm soát chặt chẽ lượng tiền cung ứng: phương thức này xuất phát từ luận điểm của Friedman cho rằng sự tăng trưởng kinh tế ổn định và có hiệu quả chỉ có thể dựa trên sự kiểm sóat chặt chẽ khối lượng tiền tệ phát hành trong lưu thông, nghĩa là kiểm soát sự cung ứng tiền tệ kết hợp với chính sách kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Phương thức hạn chế tiền tệ được áp dụng ở Mỹ trong nhiều thập niên và tỏ ra có hiệu quả, vì vậy nó được nhiều nước thừa nhận như là phương thức chủ yếu để ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát.

-Phương thức “nới lỏng tiền tệ”-lấy lạm phát trị lạm phát: phương thức này dựa trên quan điểm của Keynes cho rằng một nền kinh tế tăng trưởng và có hiệu quả là giải quyết đầy đủ công ăn việc làm. Muốn vậy phải kích cầu bằng các chính sách vĩ mô của nhà nước. Trong đó, việc nới lỏng tiền tệ, mở rộng việc cung ứng tiền tệ sẽ kích thích mặt cầu, giải quyết được nạn thất nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó lạm phát sẽ được kiểm soát.

Theo quan điểm này, người ta coi lạm phát và chống lạm phát như một quá trình liên tục, nghĩa là vừa chống lạm phát lại vừa thực hiện chính sách tiền tệ lạm phát. Phương thức này đựoc thừa nhận ở Mỹ vào những thập niên 40, 50, 60 sau đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước Nam Mỹ, Argentina, Peru, Brazil, Bolivia có tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ bình quân hàng năm lên đến trên dưới 300%, các nước khác như Urugoay, Mexico có tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ bình quân hàng năm khoảng trên dưới 60% là một trong những bằng chứng vêf thực hiện quan điểm nói trên.

——————————–

Tìm hiểu thêm:

——————————–

Tài liệu tham khảo:

1.Hỏi đáp các vấn đề về tiền tệ – ngân hàng, Luật sư Võ Hưng Thanh, Đoàn luật sư thành phồ Hồ Chí Minh, nhà xuất bản lao động, 2002.

2.Những vấn đề tiền tệ và ngân hàng, Vũ Ngọc Nhung, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1998.

3.Thị trường tiền tệ Việt Nam trong quá trình hội nhập, PGS.TS.Lê Hoàng Nga, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, 2004.

4.Vận dụng cân đối tiền- hàng để triệt tiêu lạm phát, Nguyễn Cao Dũng, Nhà xuất bản Phương Đông, 2005.

————————–

Theo bài giảng TIỀN TỆ VÀ NGÂN HÀNG

Hà Diệu Thương

ĐẠI HỌC HUẾ- TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

Huế, 2006

Một bình luận to “2.5.Những biện pháp ổn định tiền tệ và kiềm chế lạm phát”

  1. Nguyễn Hữu Quốc said

    anh (chị) hãy vận dụng các biện pháp ổn định tiền tệ trong điều kiện Việt Nam hiện nay ?

Bình luận về bài viết này