Ngocngoctan chào các bạn

Just another WordPress.com weblog

Tổng cục Thống kê: “Lạm phát là biểu hiện của tiền ra”

Posted by ngocngoctan trên 02/01/2011


Tổng cục Thống kê: “Lạm phát là biểu hiện của tiền ra”

ANH QUÂN
01/01/2011 18:10 (GMT+7)
Ông Đỗ Thức: “Cứ lạm phát là biểu hiện của tiền ra, không còn có một giải thích nào khác cả” – Ảnh: Anh Quân.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát là mất cân đối tiền – hàng và tiền nhiều hơn hàng.

“Cần phải nói thêm với các nhà báo, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát là mất cân đối tiền – hàng và tiền mà nhiều hơn hàng thì không thể không có lạm phát được”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức giải thích.

Dẫn số liệu thống kê của nhiều năm gần đây, ông Thức lập luận, tổng phương tiện thanh toán tăng cao hơn tốc độ tăng GDP từ năm 2007 đến nay. “Nếu chiều hướng ấy không được khắc phục thì chắc chắn việc giá cả gia tăng còn là thách thức”, ông khẳng định.

VnEconomy chuyển tới độc giả những nội dung chính của buổi họp báo này.

Cứ lạm phát là biểu hiện của tiền ra

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong một số lần giải trình gần đây cho rằng lạm phát cao không phải nguyên nhân tiền tệ. Lập luận của Tổng cục Thống kê về vấn đề này như thế nào?

Ông Đỗ Thức: Rõ ràng, trong nền kinh tế nào thì tiền và hàng cũng luôn luôn song hàng với nhau, và cứ lạm phát là biểu hiện của tiền ra, không còn có một giải thích nào khác cả.

Tôi không nói Thống đốc hay chính sách sai. Về kinh tế, tôi đề nghị nên hiểu rõ căn nguyên. Còn sâu xa hơn nữa, chúng ta cũng hiểu là khi nền kinh tế cứ ổn định, phát triển tốt, vững chắc thì không có hiện tượng tiền nhiều hơn hàng.

Chúng tôi chỉ biết trên cơ sở số liệu mà đánh giá. Còn bảo chính sách tiền tệ đúng hay sai thì Tổng cục Thống kê không thể nói được điều ấy.

Cứ tăng tổng phương tiện thanh toán lên thì là một yếu tố tiềm ẩn, tích lũy qua nhiều năm và đến lúc nào đó tiền lớn hơn hẳn hàng thì năm ấy sẽ là năm mà biểu lộ ra lạm phát. Nó rất đúng theo quy luật.

Thế còn thông qua tài liệu đã công bố, tín dụng năm nay tăng 27% – 28%. Rõ ràng tăng dư nợ tín dụng là tốt để đảm bảo phát triển nền kinh tế, nhưng có thể Thống đốc nói là so sánh năm nay với năm trước, còn mức độ tích lũy của nó thì Thống đốc không nói.

Tôi cho rằng để hiểu nền kinh tế thì phải hiểu cả quá trình của nó. Và đây cũng là một trong những cái chúng ta phải chú ý trong năm 2011. Nếu không chú ý một cách đầy đủ vấn đề này thì là thách thức rất lớn trong kiềm chế lạm phát. Và để đạt con số lạm phát 7% như Quốc hội đặt ra phải làm cực kỳ quyết liệt.

Chúng ta cũng hình dung có những năm chỉ số giá tăng cao, sau đấy từ mặt bằng đã cao rồi thì năm tiếp theo có thể đứng nhưng với điều kiện cân đối tiền và hàng. Chứ còn nếu chúng ta không đạt được cân đối này thì nguy cơ lạm phát là còn.

Vậy còn những nguyên nhân nào khác không?

Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Vừa qua, báo chí đề cập rất nhiều nguyên nhân của làm phát, có người nói do tiền tệ, có người cho là đầu tư không hiệu quả nhưng chưa thấy ngành nào nhận trách nhiệm. Qua số liệu, chúng tôi tính toán trong lạm phát, nếu lấy con số tháng 12 so tháng 12 là tăng 11,75% thì yếu tố tiền tệ đóng góp vào lạm phát khoảng 4,65%, còn lại là các yếu tố khác 7,1%. Còn nếu mà tính bình quân thì đóng góp khoảng 50%, tức là tiền tệ và các yếu tốt khác là đóng vai trò 50/50.

Tất nhiên tôi rất đồng cảm với cách điều hành nền kinh tế thời gian vừa qua. Đối với nền kinh tế của chúng ta, ngoại tệ đổ vào rất nhiều, thu hút FDI rất là lớn. Cái nữa là tỷ giá ngân hàng phải hỗ trợ xuất khẩu, không tăng nhiều, cho nên là đạt được kết quả như vậy theo tôi là khả quan. Tôi đánh giá cao điều hành, tất nhiên là còn một số hạn chế.

Còn liên quan giữa đầu tư dẫn đến lạm phát. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tổng đầu tư toàn xã hội năm 2010, khu vực nhà nước chỉ có 38,1%, còn lại là của khu vực đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước.

Thế thì khu vực đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước là đầu tư hiệu quả, còn nhà nước thì chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình trọng điểm, nó sẽ có phát huy tác dụng. Nên, cho là đầu tư dẫn tới lạm phát là không thỏa đáng.

Lạm phát ảnh hưởng đến đời sống người dân, thể hiện trên con số thống kê về tiết kiệm của nền kinh tế như thế nào? Nhân đây cũng đề nghị cho biết chênh lệch tiết kiệm và đầu tư dẫn đến hệ quả gì?

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia: Trong một số năm gần đây, nền kinh tế tiếp tục tăng trường, nhưng do cơ cấu tiêu dùng cuối cùng tăng nhanh nên tiết kiệm trong một số năm giảm. Ví dụ, năm 2006 tiết kiệm khoảng 36,3% GDP thì năm 2009 còn 29,2% và 2010 thì còn 28,5% GDP. Trong khi đó, vốn đầu tư của chúng ta vẫn chiếm 41-42% GDP.

Cho nên, để có đầu tư trong bối cảnh tiết kiệm giảm nên phải đi vay, trong đó chủ yếu là vay nước ngoài (năm 2006, tỷ lệ vốn đầu tư phải đi vay từ nước ngoài hơn 15% nhưng đến 2009 thì khoảng 40% GDP – PV).

Sau này, chúng ta phải xem xét hiệu quả đầu tư và vốn đi vay, làm sao đảm bảo sản xuất có lãi và hiệu quả.

Tổng cục Thống kê nhìn nhận thế nào về những nguyên nhân sẽ tiếp tục tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong năm tới và khả năng đạt mục tiêu kiềm chế CPI 7% trong năm 2011?

Bà Trần Thị Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Chúng tôi thấy rằng có nhưng nguyên nhân có thể tác động đến chỉ số này, cả từ bên ngoài cũng như nội tại.

Ví dụ bên ngoài thì đánh giá tăng trưởng các nước vẫn tiếp tục tăng, có tăng thấp hơn 2010 nhưng cho dù có nhẹ hơn chăng nữa, kinh tế vẫn tiếp tục phục hồi, và khi đã phục hồi thì nhu cầu về sản xuất tăng lên, giá nguyên vật liệu trên thế giới có thể sẽ tăng và chúng ta trong tổng kim ngạch nhập khẩu có đến 60% nguyên vật liệu, nếu tính máy móc nữa thì tổng nhập cho sản xuất lên đến 90%, nên tác động là khó lường. Yếu tố nữa là tiềm ẩn dịch bệnh thiên tai cũng khó lường.

Còn về nội tại, rõ ràng trong điều kiện sản xuất của chúng ta hiện nay, có mất cân đối giữa tiền và hàng thì nó sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng, độ trễ một vài tháng trong đầu năm 2011, trực tiếp là mấy tháng sắp tới.

Và mặc dù chúng ta đã có chuẩn bị nguồn hàng thì trước nhu cầu tăng như vậy, giá cả vẫn có thể tăng những tháng đầu năm. Tuy nhiên, hy vọng với những chính sách và biện pháp quyết liệt hơn nữa thì các tháng tiếp theo sau Tết sẽ kiềm chế và có thể giảm, tốc độ tăng chậm, để chúng ta giữ được bình ổn và giữ được trong năm 2011 phấn đấu đạt 7%.

Tăng trưởng đang tạo đà

Đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,78% của năm nay trong tổng thể nền kinh tế thì ý nghĩa của con số này như thế nào?

Ông Hà Quang Tuyến: Năm 2010, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nhiều khó khăn và tăng thấp so với Việt Nam, trong nước gặp một số khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, giá cả tăng… thì tăng trưởng 6,78% của Việt Nam cho thấy sự phục hồi nhanh và khá cao của nền kinh tế.

Và có điều đặc biệt là tất cả các khu vực của nền kinh tế đều có tăng trưởng khá, một số khu vực đạt mức tăng trưởng ở mức cao của thời kỳ trước khủng hoảng.

Ông Đỗ Thức: Tốc độ 6,78% trong thời điểm hiện nay là đáng ghi nhân, cũng là mức để chúng ta khẳng định với thế giới, Việt Nam đã ra khỏi các nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, với mức thu nhập bình quân đầu người 1.168 USD/người.

Thứ hai, lớn hơn nữa là nó còn tạo đà cho năm sau. Tốc độ tăng GDP thường có xu hướng, nếu diễn biến kinh tế như vừa qua, hy vọng tăng trưởng GDP năm tới cũng ở tốc độ cao. Nếu theo xu hướng này, Tổng cục Thống kê chúng tôi cũng dự báo năm tới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%.

Đồng thời, tăng GDP thì tăng đời sống. Như Tổng cục Thống kê tính, năm nay tổng tiêu dùng cuối cùng của dân cư cũng tăng 9,4% so với năm 2009; tổng tích lũy cũng tăng lên 10,4%. Thì rõ ràng nó là kết quả của tăng GDP.

Trong kết quả tăng trưởng này, cơ cấu ngành và cơ cấu thành phần kinh tế dịch chuyển như thế nào?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Trước hết là nhìn vào cơ cấu kinh tế của chúng ta theo ba khu vực, hiện nay có những cái mới. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm dần. Thay vào khu vực nông nghiệp giảm thì khu vực công nghiệp – xây dựng đã tăng về tỷ trọng. Còn khu vực dịch vụ thì có giảm, nhưng mà giảm nhẹ.

Nhìn vào GDP theo phương pháp sử dụng – cơ cấu giữa tích lũy, tiêu dùng và xuất nhập khẩu – năm 2010 cho thấy để GDP tăng 6,78% thì vai trò tiêu dùng trong nước là quan trọng, bên cạnh đó là xuất nhập khẩu. Tích lũy năm nay cũng tăng hơn, điều này cho thấy đây là cơ sở để tạo tiền đề cho tăng trưởng năm sau.

Một điều nữa, hiện nay chúng ta nói nhiều về cơ cấu lại nền kinh tế nhưng cơ cấu lại như thế nào, giải pháp như thế nào thì cũng chưa thấy ở đâu đưa ra.

Cái nữa là hay nói đầu tư không hiệu quả nhưng nếu không đầu tư thì làm sao tăng trưởng được, tất nhiên là phải đầu tư hiệu quả, liên quan đến chất lượng tăng trưởng GDP. Nhưng tôi xin hỏi lại, nền kinh tế của chúng ta, nếu không đầu tư để mà tăng được GDP thì bức tranh của chúng ta có đạt được kết quả như những năm vừa qua hay không?

Thế thì phải đầu tư mà tăng hiệu quả, chứ không thể đánh đổi bằng giảm đầu tư được.

———————————-
Thứ Hai,  17/1/2011, 09:03 (GMT+7)

Có phải “đầu tư không dẫn tới lạm phát”?

(TBKTSG) – Một điều thú vị là trong buổi họp báo cuối năm 2010, lãnh đạo của Tổng cục Thống kê (TCTK) rất tự tin bình luận về lạm phát. Một cách vắn tắt, TCTK – cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho rằng nhân tố tiền tệ chứ không phải đầu tư là căn nguyên gây ra lạm phát ở Việt Nam.

Tổng cục trưởng TCTK đã nhận định rất đúng rằng “nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát là mất cân đối tiền – hàng và tiền mà nhiều hơn hàng thì không thể không có lạm phát được”. Đơn cử như trong giai đoạn 2006-2010, cả cung tiền và tín dụng của Việt Nam tăng tới 400%, trong khi GDP thực chỉ tăng 40%. Hệ quả tất yếu không chỉ là lạm phát cao mà còn là tiền đồng mất giá, thâm hụt thương mại tăng cao và bong bóng bất động sản ngày một phình to như chúng ta đã thấy.

Cần nhấn mạnh thêm là chỉ trong vòng năm năm, từ 2004-2009, tỷ lệ giữa dư nợ tín dụng nội địa và GDP đã tăng từ mức 60% lên đến trên 120% (xem đồ thị). Điều này có nghĩa là với tốc độ tăng trưởng tín dụng như nhau thì lượng tín dụng mới đổ thêm vào nền kinh tế tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP trong năm 2009 sẽ cao gấp đôi so với năm 2004. Vì vậy, khi tổng dư nợ tín dụng càng tăng cao thì để kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng trưởng tín dụng mục tiêu càng phải giảm.

Mặc dù nguyên nhân trực tiếp của lạm phát là do chính sách tiền tệ nới lỏng, song nếu nhìn sâu xa hơn, lạm phát ở Việt Nam là do đầu tư tăng rất nhanh nhưng lại kém hiệu quả.

Về mặt số lượng, tổng vốn đầu tư tích lũy đã tăng từ mức 110% GDP trong năm 1995 lên trên 360% GDP trong năm 2009 (xem đồ thị). Về mặt chất lượng, ICOR của nền kinh tế tính theo vốn đầu tư đã tăng từ mức dưới 4,0 trong giai đoạn 1995-2000 lên 4,9 trong giai đoạn 2001-2005 và lên đến 6,8 trong giai đoạn 2006-2010.

Nếu nhìn vào tương quan hiệu quả đầu tư giữa các khu vực kinh tế thì trái với ý kiến của một vị tổng cục phó TCTK, một số đánh giá gần đây cho thấy đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kém hiệu quả hơn hẳn so với doanh nghiệp tư nhân. Theo tác giả Bùi Trinh (2010), dù tính theo vốn đầu tư thực hiện hay theo tích lũy tài sản thì ICOR của khu vực DNNN cũng cao gấp rưỡi ICOR chung của toàn nền kinh tế.

Nhìn từ khía cạnh tài khóa, hoạt động đầu tư công và tài trợ cho các DNNN có quy mô rất lớn nhưng kém hiệu quả là một nguyên nhân trực tiếp của tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề. Để tài trợ thâm hụt ngân sách, trong nhiều trường hợp Nhà nước đã tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách, và do đó gây ra lạm phát.

Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ thể chế, ở Việt Nam Ngân hàng Nhà nước không độc lập và chính sách tiền tệ thường phải chạy theo chính sách tài khóa. Do đó, chính sách thúc đẩy đầu tư để đạt mục tiêu tăng trưởng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tóm lại, ở Việt Nam chính sách tiền tệ chạy theo chính sách đầu tư và cả hai cùng chạy theo mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Nhưng vì hiệu quả đầu tư ngày một giảm nên nền kinh tế phải liên tục gia tăng đầu tư nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Hệ quả là lạm phát đã trở thành vấn đề thường trực và là cái bóng theo sau tăng trưởng.

Một điều thú vị (và đáng kinh ngạc) nữa là không chỉ dừng lại về mặt định tính, một tổng cục phó TCTK còn đưa ra đánh giá định lượng rất cụ thể về đóng góp của nhân tố tiền tệ vào lạm phát. Theo vị này, “yếu tố tiền tệ đóng góp vào lạm phát khoảng 4,65%, còn lại là các yếu tố khác 7,1%. Còn nếu tính bình quân thì đóng góp khoảng 50%, tức là tiền tệ và các yếu tố khác đóng vai trò 50/50”. Hình như từ trước đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào trên thế giới có thể khẳng định “như đinh đóng cột” như thế này về đóng góp của chính sách tiền tệ đối với lạm phát.

Vậy con số 4,65% từ đâu ra? Một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên là chỉ cần sử dụng CPI của tháng 12-2010 so với tháng 12-2009 (11,75%) và tốc độ tăng trưởng (6,78%), bằng một vài phép tính số học đơn giản ta có thể “sản xuất” ra con số 4,65% này. Cụ thể là [(1 + 11,75%)/(1 + 6,78%) – 1] bằng đúng 4,65%. Hơn nữa, nếu dùng CPI trung bình năm là 9,19% thì áp dụng “công thức” trên, ta có [(1 + 9,19%)/(1 + 6,78%) – 1] = 4,54%, tức là xấp xỉ phân nửa của 9,19%, và do vậy trùng hợp với kết quả “50/50” như trong phát biểu của vị tổng cục phó.

Có điều là “công thức” vừa sử dụng không hề có bất kỳ một cơ sở lý thuyết nào, vì vậy chỉ nên coi là phép tính đùa chơi trong chốc lát. Hy vọng rằng vị tổng cục phó TCTK sẽ công bố mô hình mà ông sử dụng để từ đó đưa ra nhận định về đóng góp của yếu tố tiền tệ vào lạm phát nhằm giải tỏa thắc mắc của rất nhiều người, đồng thời làm cơ sở cho chính sách tài khóa và tiền tệ trong tương lai.

Vũ Thành Tự Anh

Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/46461/Co-phai-%E2%80%9Cdau-tu-khong-dan-toi-lam-phat%E2%80%9D?.html

———————————-

Lãi suất chưa thể hạ như kỳ vọng!

Cập nhật lúc 17/01/2011 07:00:00 AM (GMT+7)
Một câu hỏi mà các thành viên tham gia thị trường đang đặt ra và tìm kiếm lời giải, để từ đó có phương hướng kinh doanh thích hợp là: liệu lãi suất ngân hàng có thể hạ được ngay trong quý 1/2011? Câu trả lời là chưa.
Sử dụng tín dụng qua thẻ là cách thức vay tiền thuận lợi, nhưng gần đây nhiều
người hạn chế sử dụng dịch vụ này vì lãi suất cao. Ảnh: Lê Quang Nhật

Định hướng vĩ mô dù khẳng định mục tiêu tổng quát đầu tiên cho năm 2011 là tăng tính ổn định của nền kinh tế, nhưng chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam vẫn để ở mức phấn đấu cao: tăng 7,75% so năm 2010. Với chỉ số ICOR hiện tại 6,2, Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu tăng GDP như đã đề ra thì mức cung tiền qua đầu tư công và tín dụng ngân hàng sẽ phải cao hơn năm 2010. Còn muốn hạ chỉ số ICOR xuống, phải liên quan đến đổi mới cơ cấu kinh tế cũng như phải tăng được hiệu quả đầu tư, đây không phải là việc dễ làm trong một khoảng thời gian ngắn tính bằng tháng hay quý.

Lạm phát quý 1 khó giảm

Kế đến, sự phối hợp trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá còn có những điểm chưa phù hợp và có thể còn xảy ra trong sáu tháng đầu năm 2011, khi mà những khoản chi thiết yếu sẽ dồn dập xảy ra trước và sau tết cổ truyền. Nền kinh tế không thể chứa quá nhiều tiền mà không có bất ổn xảy ra. Lượng tiền cần thiết cho lưu thông có thể tính toán được vì qua hai van chính là ngân sách (thể hiện bằng chi tiêu đầu tư công) và tín dụng ngân hàng. Nhưng ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan thực thi chính sách tiền tệ quốc gia lại không thể quản và thực chất là không quản được “van ngân sách”; điều này đã được thống đốc thừa nhận trong cuộc họp điều trần trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội rằng “năm 2010 ngân sách nhà nước đã ứng từ NHNN một số tiền rất lớn”. Một khi chính sách tài khoá còn thiên về “bề rộng” nhưng lại kém hiệu quả thì chính sách tiền tệ – tín dụng của NHNN khó đạt hiệu quả cao.

Trên thế giới, các dự báo về giá cả hàng hoá và lạm phát đều cho rằng kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; những bất ổn về giá cả và thị trường này chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam. Hơn nữa, giá cả thường tăng mạnh hơn trong tháng có tết Nguyên đán. Như vậy, có thể thấy trước rằng, trong quý 1/2011, chỉ số CPI của Việt Nam nhiều khả năng vẫn ở mức hai con số. So cùng kỳ năm trước lạm phát chưa giảm thì lãi suất không thể giảm vì người gửi tiền khó chấp nhận lãi suất tiết kiệm thấp hơn chỉ số lạm phát.

Tác động từ trái phiếu chính phủ

Bước sang năm 2011, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 7 – 7,5% thì việc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách năm 2011 khó có thể giảm. Bộ Tài chính đã xác định một trong những nhiệm vụ tài chính – ngân sách đặt ra cho năm 2011 là thực hiện phát hành trái phiếu trong nước và huy động nguồn ODA để bù đắp bội chi ngân sách và cho đầu tư phát triển. Theo kế hoạch, mức phát hành trái phiếu chính phủ năm 2011 là 45.000 tỉ đồng. Nếu không có mức lãi suất hấp dẫn xấp xỉ lãi suất ngân hàng, thì Chính phủ khó có thể bán được trái phiếu trong bối cảnh nhiều người mua trước đây là các ngân hàng thương mại hiện vẫn đang còn lo bài toán thanh khoản. Chính vì vậy, lãi suất trái phiếu là một ẩn số khó lường đối với việc hạ lãi suất tiền gửi/tiền vay bởi nó tuỳ thuộc vào Chính phủ có vay được nước ngoài hay chủ yếu vay trong nước, cần vay nhiều hay ít… trong mỗi đợt phát hành trái phiếu để đưa ra mức lãi suất.

Lãi suất ngân hàng vẫn phải “giữ chân” vốn ngắn hạn

Huy động vốn kỳ hạn ngắn trong nhiều ngân hàng chiếm tỷ trọng khoảng trên 70% trong tổng nguồn vốn huy động, trong khi cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng khoảng trên 40% tổng dư nợ cho vay. Nguồn vốn huy động thiếu ổn định, chủ yếu là kỳ hạn ngắn, dễ dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác mỗi khi có sự biến động trong lãi suất huy động, khiến cho những ngân hàng thương mại đảm bảo thanh khoản vẫn không dám hạ lãi suất. Áp lực của nguồn tiền gửi ngắn hạn lên lãi suất huy động là rất nặng nề nếu những bất ổn kinh tế vĩ mô không được giải quyết.

Bên cạnh đó, năm 2011 được dự báo việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán không phải dễ dàng với rất nhiều doanh nghiệp, cho nên nguồn vốn bổ sung cho nhu cầu kinh doanh lại càng đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng thương mại; quan hệ cung – cầu vốn trên thị trường như thế khó khiến cho thị trường xác lập mặt bằng lãi suất giảm trong ngắn hạn như mong đợi.

Bắc Nam (SGTT)

———————————-

Tìm hiểu thêm:

Ứng xử với lạm phát, người tiêu dùng làm gì để giảm lạm phát

Vì sao có lạm phát (chứng minh bằng toán học)

6 bình luận to “Tổng cục Thống kê: “Lạm phát là biểu hiện của tiền ra””

  1. bac ke vin said

    Trong boi canh hien nay thi dung o vi tri nao cung kho tra loi (giai thich) thau dao moi van de cua nen kinh te. Lam phat nam 2010, khong han giong voi lam phat nhung nam 1988 – 1989 ma lam phat cua nam 2010 la ket hop ca hai yeu to (tien – hang va dau tu).

  2. bac ke vin said

    Kinh chao bac: Ngoc Tan
    Toi chi la mot con ech ngoi day gieng (mot thao dan khong hon, khong kem) song da co mot thoi la linh cu Ho, linh hat bai hat ” nguoi linh tinh nguyen va dieu mua ap sa ra.
    Van de lam phat cua nam 2010, co le khong can ban cai nhieu ve nguyen nhan cua no nua ma cai chinh la phai lam gi va lam nhu the nao de nhiem ky 2011 – 2015 chung ta vung buoc tren buoc duong “Dan giau, nuoc manh, xa hoi cong bang dan chu va van minh”. Thuc su gia ca hang hoa va dich vu tieu dung xa hoi nhu hien nay thi thu nhap thuc te cua nhung nguoi lam cong an luong la qua thap va van de nay lieu Chinh phu co biet khong ?

  3. bac ke vin said

    “Vay no co khi trao nuoc mat
    Chay an tung bua toat mo hoi”
    Thoi diem nay khong den noi nhu sinh thoi cua cu Tu. Song con dang hoc tai thu do ma thu nhap cua ca nha moi thang khoang 8 trieu dong, vua nuoi con hoc, vua tra lai ngan hang thi cung la ca mot van de day Bac Tan a

  4. bac ke vin said

    Tân mão, tân xuân, tân hạnh phúc.

    • Xuân đến, xuân đi, xuân lại về
      Tân mão, tân xuân, tân hạnh phúc
      Thanks bác Ke vin.
      P/s- Để tránh bị hiểu nhầm, đề nghị các bác vui lòng ghi tiếng Việt có dấu nhé. Thanks.

Bình luận về bài viết này