Ngocngoctan chào các bạn

Just another WordPress.com weblog

Giải cứu Hy Lạp- Giải cứu đồng Euro

Posted by ngocngoctan trên 26/06/2011


Giải cứu đồng Euro

Thứ Bảy, 25/06/2011 23:38

Cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng của Hy Lạp đang cuốn hút khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào vòng xoáy khủng hoảng đe dọa sự tồn tại của Liên hiệp châu Âu (EU). Để tìm lối thoát cho Eurozone, từ nhiều tháng nay, EU đã dồn sức giải cứu Hy Lạp

Đồng euro ra đời từ năm 1999, từng một thời là đồng tiền mạnh không kém USD, nay đang đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu không được giải cứu kịp thời. Trong bối cảnh hiểm nguy này, Hội nghị Thượng đỉnh EU của 27 nước thành viên họp trong hai ngày 23 và 24-6 tại Brussels (Bỉ) đã đặt trọng tâm vào vấn đề giải cứu Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ công để khỏi lây lan sang toàn bộ Eurozone.

Các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất về nguyên tắc cấp khoản cứu trợ khẩn cấp 12 tỉ euro cho Hy Lạp trong gói cứu trợ 110 tỉ euro do EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông qua tháng 5-2010. Đồng thời EU cũng cam kết dành cho Hy Lạp gói cứu trợ “có điều kiện” thứ hai là 100 tỉ euro trong hai năm 2013 – 2014.

Giới quan sát nhận định rằng sự cứu giúp Hy Lạp của EU và IMF không phải là “biếu không” mà phải tuân theo quy luật “cây gậy và củ cà rốt”. Hy Lạp phải thực hiện 2 điều kiện để có được khoản 12 tỉ euro giải ngân trong tháng 7 này.

Đó là thông qua kế hoạch ngân sách khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm chi tiêu 28,4 tỉ euro trong 5 năm (đến năm 2015) và kế hoạch tư nhân hóa tài sản quốc gia thu về cho đất nước 50 tỉ euro. Bất chấp sự phản đối của người dân về chủ trương “thắt lưng buộc bụng”, Chính phủ Hy Lạp cam kết thông qua 2 kế hoạch trên trước thời hạn chót là ngày 30-6. Phải chấp nhận điều kiện “cây gậy” thì Chính phủ Hy Lạp mới hy vọng vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ công khổng lồ 350 tỉ euro.

Mặc dầu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou lạc quan tuyên bố “kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh EU là dấu hiệu tích cực cho tương lai của Hy Lạp”, nhiều chuyên gia kinh tế châu Âu chưa thực sự tin vào hiệu quả của biện pháp giải cứu Hy Lạp của EU. Chuyên gia Simon Tifford của Trung tâm Cải cách châu Âu cho rằng một khi các gói cứu trợ tài chính không giúp các nước thoát khỏi khủng hoảng, khả năng một “con nợ” buộc phải rút khỏi liên minh tiền tệ là điều có thể xảy ra.

Tạp chí The Economist của Anh đưa ra 3 kịch bản đối với triển vọng đồng euro trong bối cảnh khủng hoảng nợ công ở Eurozone chưa giảm nhiệt. Kịch bản có khả năng xảy ra nhất (50%) là Eurozone cuối cùng sẽ vượt qua khủng hoảng với điều kiện các nước mắc nợ phải chấp nhận cải cách mạnh mẽ nhằm giảm thâm hụt ngân sách và các nước khác mạnh hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính để miễn cưỡng kiểm soát khủng hoảng.

Kịch bản thứ hai (15%) là các nước thành viên Eurozone sẽ từ bỏ đồng euro do không thể vượt qua khủng hoảng nợ khi các nước yếu trong khối không đáp ứng được điều kiện của các gói cứu trợ, còn những nước tài chính ổn định hơn không còn kiên nhẫn trợ giúp đồng đội yếu. Kịch bản thứ ba (10%) là Eurozone sẽ trải qua sự hồi sinh khi tất cả các nước thành viên cùng nỗ lực kiểm soát thành công các khoản nợ công của mình.

Trả lời phỏng vấn đài BBC, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cảnh báo: “Các nước EU có một quyết tâm rất mạnh phải cứu được những gì chúng tôi đã cùng nhau đạt được trong 50 năm qua. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Nếu Eurozone biến mất thì bản thân EU sẽ vô cùng lâm nguy”. Lời cảnh báo này đã được Hội nghị Thượng đỉnh EU nói trên nghiêm túc lắng nghe.

Đỗ Chuyên
http://nld.com.vn/2011062511388877p0c1006/giai-cuu-dong-euro.htm
——————————-
Chủ Nhật, 26/06/2011 – 07:13

Hy Lạp được cứu nguy tài chính với điều kiện “thắt lưng buộc bụng”

(Dân trí) – Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã thành công trong cuộc vận động giới lãnh đạo các nước Âu châu và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra một kế hoạch cứu nguy tài chính thứ hai.

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou còn phải thuyết phục các nhà lập pháp trong nước.

Thủ tướng Papandreou nói kế hoạch cứu nguy mới cũng tương tự về mức độ quy mô với kế hoạch đầu tiên trị giá 160 tỉ USD, đã được giải ngân dần dần với điều kiện chính phủ Hy Lạp ở Athens phải thông qua các biện pháp cải cách kinh tế sâu rộng.

Trong một tuyên bố trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng EC cùng IMF, Ngân hàng Trung ương Âu châu và các giới thẩm quyền Hy Lạp đã đạt được một thỏa thuận làm hài lòng đôi bên về một loạt biện pháp để trám khoản thâm hụt tài chính của Hy Lạp trong các năm từ 2011 đến 2014.

Giới lãnh đạo EU và các chủ nợ của Hy Lạp nói rằng thỏa thuận này phải biến thành những biện pháp lập pháp cụ thể trước cuối tháng 6, trước khi giải ngân ngân khoản kế tiếp trị giá 17 tỉ USD, trong kế hoạch cứu nguy có kinh phí tổng cộng 160 tỉ USD của năm ngoái.

Hiện, Thủ tướng Hy Lạp phải thuyết phục các nhà lập pháp trong nước thỏa thuận về các biện pháp khắc khổ trước khi các ngân khoản cứu nguy được tháo khoán.

Trong khi chờ đợi, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkosy nói các ngân hàng và công ty bảo hiểm Pháp, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, đã đồng ý đóng góp vào kế hoạch cứu nguy cho Hy Lạp.

Sự bất lực của châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công của Hy Lạp đã làm cho Mỹ sốt ruột. Thậm chí, tại Washington, một số nghị sĩ Mỹ còn sử dụng vấn đề này để gây sức ép với chính quyền Obama.

Theo kinh tế gia Domenico Lombardi, thuộc Viện Brookings ở Washington, Mỹ theo dõi cuộc khủng hoảng đồng euro ngay từ đầu. Họ hiểu được nguy cơ bùng nổ tiềm tàng mà cuộc khủng hoảng có thể gây ra đối với thế giới và nền kinh tế Mỹ.

Hôm 22/6, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke thừa nhận nếu trong tương lai Hy Lạp không thể thanh toán được một phần nợ của mình, thì nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu những tác động đáng kể do những căng thẳng trên thị trường tài chính quốc tế.

Việt Hà
Theo Wall StreetJournal, AFP

——————————-

Thứ bảy 25 Tháng Sáu 2011

Mỹ sốt ruột về khủng hoảng Hy Lạp

Biểu tình tại Athens, trước cửa Tòa nhà Nghị viện Hy Lạp để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và nạn tham nhũng, quảng trường Constitution (Syntagma), 12/6/2011.

Biểu tình tại Athens, trước cửa Tòa nhà Nghị viện Hy Lạp để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và nạn tham nhũng, quảng trường Constitution (Syntagma), 12/6/2011.

REUTERS/Pascal Rossignol

Sự bất lực của châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công của Hy Lạp đã làm cho Hoa Kỳ sốt ruột. Thậm chí, tại Washington, một số dân biểu Mỹ còn sử dụng hồ sơ này để gây sức ép với chính quyền Obama.

Từ hơn một năm nay, cộng đồng tài chính quốc tế và giới chính khách Mỹ lo lắng theo dõi những diễn tiến của cuộc khủng hoảng Hy Lạp, những tranh cãi và bất đồng giữa các nước châu Âu, đặc biệt là giữa Pháp, Đức, Phần Lan và một số nước khác.

Theo kinh tế gia Domenico Lombardi, thuộc Viện Brookings, ở Washington, thì « Hoa Kỳ theo dõi cuộc khủng hoảng đồng euro ngay từ đầu. Họ hiểu được nguy cơ bùng nổ tiềm tàng mà cuộc khủng hoảng có thể gây ra đối với thế giới và nền kinh tế Mỹ ».

Hôm thứ Tư, 22/06, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã báo trước là ông theo dõi sát sao cuộc khủng hoảng, bởi vì nếu trong tương lai Hy Lạp không thể thanh toán được một phần nợ của mình thì nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu những tác động đáng kể do những căng thẳng trên thị trường tài chính quốc tế.

Đó là về kinh tế. Nhưng cuộc khủng hoảng Hy Lạp cũng trở thành một thách thức chính trị quan trọng tại Washington.

Sau khi kế hoạch quốc tế trợ giúp Hy Lạp được đưa ra, ngày 17/05/2010, Thượng viện Hoa Kỳ, với 94 phiếu thuận, không có phiếu chống, đã thông qua một sửa đổi bổ sung cho luật cải cách thị trường Wall Street. Theo đó, mỗi khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế xem xét việc cung cấp tín dụng cho những nước có mức nợ công cao hơn tổng sản phẩm quốc nội, thì chính quyền Obama phải đánh giá khả năng trả nợ của các quốc gia đó. Nếu thấy không bảo đảm thì chính phủ Mỹ với tư cách là cổ đông quan trọng nhất trong hội đồng quản trị IMF, sẽ bỏ phiếu chống.

Đối với một số nghị sĩ Hoa Kỳ, nguy cơ này hiện nay  tại Hy Lạp đang rất cao và Washington cần phải áp dụng điều khoản nói trên.

Thế nhưng, kinh tế gia Jacob Kirkegaard, thuộc học viện Peterson, tại Washington, được AFP trích dẫn, lại nhận định rằng xác suất không thu hồi được nợ thực ra rất nhỏ và những tuyên bố theo kiểu này của các nghị sĩ Mỹ mang mầu sắc chính trị.

Về mặt chính thức, ngay từ khi xẩy ra cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, quan điểm của Mỹ vẫn không thay đổi : Athens phải tiến hành cải cách để có thể phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, Washington cũng muốn biểu thị sự khó chịu trước những chậm trễ, tranh cãi, bất đồng của châu Âu.

Ngày 21/06, bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nhắc nhở, việc châu Âu có chung một tiếng nói là rất cần thiết để nhanh chóng giải quyết hồ sơ Hy Lạp. Ông nhấn mạnh, « Rất khó cho những nguời đầu tư vào châu Âu hiểu được chiến lược của châu Âu ra sao, khi họ nghe thấy nhiều tiếng nói khác nhau ».

Theo chuyên gia Lombardi, sự hẫng hụt ngày càng gia tăng đối với Hoa Kỳ, bởi vì Washington không có một đối tác duy nhất để thảo luận. Đức là một cuờng quốc kinh tế của châu Âu thì bận tâm đến những vấn đề chính trị nội bộ và tranh luận về việc huy động các tổ chức tài chính tư nhân tham gia giải quyết khủng hoảng Hy Lạp, còn Paris lại lo lắng bảo vệ các quyền lợi cho các ngân hàng Pháp. Bên cạnh đó, Mỹ cũng phải tính tới thái độ của các định chế châu Âu khác như Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung uơng châu Âu. Những định chế này đôi khi có quan điểm trái ngược với các chính phủ thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Theo thẩm định của thị trường bảo lãnh tài chính thì nguy cơ Hy Lạp không thanh toán được nợ ngày càng lớn. Do vậy, cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ chỉ tập trung vào việc đánh giá những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng Hy Lạp có thể gây ra đối với hệ thống tài chính Mỹ.

Bà Sheila Bair, chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Mỹ FDIC, một trong những tổ chức chịu trách nhiệm điều tiết hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ tỏ thái độ bi quan khi tuyên bố rằng, có thể cần phải cơ cấu lại nợ của Hy Lạp.

Đây chính là điều mà châu Âu lo sợ nhất. Cơ cấu lại nợ có nghĩa Hy Lạp không đủ khả năng thanh toán. Hậu quả tức thời của việc này là Athens không nhận được tài trợ của IMF, trong khi đó, một mình châu Âu thì không cáng đáng nổi gánh nặng tài chính Hy Lạp.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110625-my-sot-ruot-ve-khung-hoang-hy-lap

Bình luận về bài viết này