Ngocngoctan chào các bạn

Just another WordPress.com weblog

Archive for Tháng Tám 23rd, 2011

Mỹ- Ngân hàng Trung ương nên công khai sổ sách và minh bạch hơn

Posted by ngocngoctan trên 23/08/2011


Ngân hàng Trung ương nên công khai sổ sách và minh bạch hơn

Mỹ: Ứng cử viên tổng thống chỉ trích Ngân Hàng Trung Ương

 Thứ Tư, 17 tháng 8 2011
Thống đốc bang Texas Rick Perry đi vận động ở Greenland, 13/8/2011

Hình: AP
Thống đốc bang Texas Rick Perry đi vận động ở Greenland, 13/8/2011

Tại Hoa Kỳ, một ứng cử viên tìm cách đánh bại tổng thống Barack Obama đã tấn công ngân hàng trung ương và chủ tịch ngân hàng trong khi đi vận động.

Ứng cử viên Rick Perry của Đảng Cộng Hòa, thống đốc một thời gian dài của bang Texas, cuối tuần rồi chính thức loan báo muốn được Đảng Cộng Hòa đề cử làm đối thủ của ông Obama trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Ông đã công kích đường lối kinh tế của Tổng thống Obama, đồng thời cũng chĩa mũi dùi vào Ngân hàng Trung ương và chủ tịch là ông Ben Bernanke.

Hồi đầu tuần, ông Perry, người thường hay nói thẳng, đã tuyên bố rằng nếu Chủ tịch Bernanke muốn “in thêm tiền” để đẩy mạnh nền kinh tế chậm lụt trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 2012, thì đó là điều gần như là một sự phản bội. Ông cho biết thêm, nếu ông Bernanke làm chuyện này, thì người dân Texas sẽ coi thường ông.

Những thành viên Đảng Dân Chủ ủng hộ tổng thống Obama thêm một nhiệm kỳ nữa, cùng một số người cùng Đảng Cộng Hòa với ông Perry, lên án những nhận định của ông Perry là quá nóng nẩy. Nhưng ông vẫn không lui bước.

Hôm thứ Tư, trong lúc tranh cử tại bang New Hampshire, ông Perry nói Ngân hàng Trung ương nên công khai sổ sách và minh bạch hơn. Ông nói, điều đó rất tốt để cho thấy có hoạt động nào của ngân hàng là “không chính đáng” hay không.

Ngân hàng trung ương đã bơm hàng trăm tỉ đôla để giúp Hoa Kỳ nhanh chóng phục hồi sau cơn suy thoái 2008, và giảm tỉ lệ thất nghiệp ở mức 9% trong hơn 2 năm. Ông Bernanke cũng định duy trì lãi suất chính ở mức gần số không thêm 2 năm nữa, và tỏ ý sẽ bơm thêm tiền mặt.

Ông Perry, cũng như những ứng cử viên Đảng Cộng Hòa tranh cử tổng thống khác, như ông Mitt Romney, cựu thống đốc Massachusetts và bà Michele Bachmann, dân biểu bang Minnesota, nói nếu chính phủ chi tiêu nhiều hơn thì kinh tế sẽ không phục hồi nhanh.

Thay vì làm như trên, họ nói chính phủ cần giảm mạnh mức chi tiêu và tránh tăng thuế.

Tổng thống Obama muốn vừa cắt bớt chi tiêu vừa tăng thuế những người Mỹ giàu có. Ông dự định sẽ loan báo một chương trình tạo việc làm mới vào tháng sau.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/us/us-bernanke-criticism-08-17-11-127969908.html

———————————-

Thứ ba, 23/8/2011, 00:01 GMT+7

Mỹ lục đục vì chuyện in tiền

Ứng cử viên Tổng thống Rick Perry có lời khiếm nhã với thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị cho in thêm tiền để cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, dưới những áp lực hiện tại, chuyện FED sắp làm là khó tránh khỏi.

Ông Rick Perry, Thống đốc bang Texas đang là ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Hôm 21/8, ông đã lên tiếng tỏ ý bất đồng với Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về chuyện in tiền.

Perry nói một cách thiếu tế nhị rằng: “Nếu ông Bernanke tiếp tục cho in tiền từ giờ tới cuộc bầu cử năm 2012, thì tôi chẳng rõ người ta đối xử với ông ta thế nào ở các bang khác, riêng tại Texas này thì chúng tôi sẽ tiếp đãi không khách sáo. In tiền cho cuộc chơi chính trị vào thời điểm này của nước Mỹ, thì theo cá nhân tôi gọi đây là mưu phản”.

Thống đốc bang Texas Rick Terry tỏ ra khá gay gắt chuyện Fed muốn in thêm tiền. Ảnh
Thống đốc bang Texas Rick Terry tỏ ra khá gay gắt chuyện Fed muốn in thêm tiền. Ảnh: virtacore.com

Câu nói trên đã nhận phải sự chỉ trích từ nhiều phía. Các thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng cách nói này không phù hợp và “phi tổng thống”. Bernanke là một chuyên gia kinh tế có lối suy nghĩ thấu đáo và hiểu biết trong chuyện tiền tệ. Ông từng phục vụ cho chính quyền Bush và được tái bổ nhiệm vào chiếc ghế Chủ tịch FED trong nhiệm kỳ Tổng thống Obama.

Lời công kích của Perry và các thành viên khác trong cuộc đua tới quyền lực trong Đảng Cộng hòa không làm phức tạp thêm công việc mà FED phải làm phía trước. Ngân hàng Trung ương sẵn sàng đưa ra lựa chọn để đáp lại nền kinh tế, chứ không phải chính trị. Họ cũng đã thông báo sẽ giữ mức lãi suất cận 0 trong vòng 2 năm nữa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng ông Bernanke đã hơi dễ dãi trong việc in tiền. Chỉ trong vòng 12 năm từ 1999 đến 2011, Fed đã cho in hàng nghìn tỷ USD nhằm cứu vãn tình hình kinh tế Mỹ. Năm 1999, FED in 73 tỷ USD để tránh hậu quả của vụ Y2K.

Sau vụ 11/9/2001, Fed lại tiếp tục in thêm 40 tỷ USD nữa, rồi khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 diễn ra, Bernanke lại quyết định in tới 1.600 tỷ USD để cứu nước Mỹ. Năm 2009, Mỹ tiếp tục rơi vào cảnh tồi tệ khiến gói kích thích kinh tế trị giá 1.700 tỷ USD ra đời. Tháng 11/2010, gói thứ hai với 600 tỷ USD lại được thông qua và có vẻ như chuyện này chưa dừng lại.

Theo Wall Street Journal, chuyện Mỹ in tiền luôn làm các quốc gia khác cảm thấy… hồi hộp bởi lẽ càng in nhiều thì đồng USD càng mất giá. Đồng tiền của các nước vì thế sẽ tăng giá, làm giảm ưu thế xuất khẩu. Ngoài ra, các chủ nợ của Mỹ cũng xót ruột khi đồng đôla mất giá.

Trong lịch sử, hầu hết các nhân vật chính trị từ cả hai đảng đều yêu cầu ngân hàng trung ương phải giữ mức lãi suất thất và mở rộng nguồn cung tiền càng nhiều càng tốt nhằm tiếp thêm sinh lực cho phát triển kinh tế. Nhưng hiện tại, phần lớn áp lực với Fed đến từ phía Cộng hòa, những người đang ra sức tranh cãi rằng việc thắt chặt tiền tệ là cần thiết, kể cả khi tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 9%.

Tờ Bloomberg nhận định, dưới những áp lực hiện tại từ tỷ lệ lạm phát tăng cao trong tháng 7/2011, đạt 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái kèm với tỷ lệ thất nghiệp, không loại trừ khả năng Fed vẫn phải tiếp tục hướng đi của mình, đồng nghĩa với việc những cỗ máy in tiền của Chính phủ Mỹ lại tiếp tục vận hành để cứu chính họ.

Anh Quân

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quoc-te/2011/08/my-luc-duc-vi-chuyen-in-tien/

——————————–

Ngày 18.10.2010, 14:29 (GMT+7)

Làm sao ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông?

SGTT.VN – Chỉ ngân hàng Nhà nước (NHNN) với chức năng ngân hàng trung ương (NHTƯ) mới được sử dụng một số biện pháp tác động đến NHTM rút tiền ra khỏi lưu thông/thắt chặt tiền tệ.

Tuy đồng tình với các biện pháp bình ổn giá cả thị trường của Chính phủ nêu ra trong chỉ thị 1875/CT-TTg ngày 11.10.2010, nhưng việc yêu cầu NHNN vừa điều hành để từng bước giảm lãi suất, đồng thời nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá đã khiến dư luận phân vân, khó hiểu. Có người nhận xét: “Câu chữ trong văn bản hơi lạ”.

Chỉ NHNN mới có chức năng rút tiền

Hầu hết các quốc gia, duy nhất NHTƯ là người kiểm soát khối tiền tệ và lãi suất. Ở Việt Nam, NHNN là cơ quan xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia (CSTT) để trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định và NHNN cũng là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách này. Về cơ bản CSTT có nghĩa là cần tính toán lượng tiền phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và quyết định liệu sẽ bơm thêm bao nhiêu tiền vào hệ thống kinh tế. Nếu lạm phát quá cao thì NHTƯ phải rút bớt tiền ra khỏi hệ thống lưu hành. Trong trường hợp có rủi ro về thiểu phát thì NHTƯ phải tăng tính thanh khoản của hệ thống (tức là tăng lượng tiền phát hành). Để bơm/hút tiền vào/ra lưu thông, NHTƯ sử dụng một loạt công cụ để tác động vào các NHTM qua đó nới lỏng/thắt chặt khối tiền tệ trong nền kinh tế.

NHTM chỉ đưa tiền vào lưu thông qua cấp tín dụng có kỳ hạn. Đáo hạn thì tiền mới có thể quay về ngân hàng. Điều này đã được thoả thuận trong hợp đồng tín dụng của ngân hàng với khách hàng. Vậy NHTM không có chức năng và không thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông

Mục tiêu mâu thuẫn?

Có cảm giác Việt Nam đang mâu thuẫn mục tiêu. Một mặt muốn NHNN điều hành từng bước giảm lãi suất thị trường. Mặt khác lại để ngỏ khả năng rút tiền nhanh ra khỏi lưu thông.

Biện pháp để rút tiền ra khỏi lưu thông/ thắt chặt tiền tệ mà NHNN tác động đến NHTM là: tăng dự trữ bắt buộc (tăng số tiền gửi mà các NHTM phải đưa vào dự trữ mà không được sử dụng); hạn chế khối lượng tái cấp vốn (giảm số tiền NHNN cho vay các NHTM) hoặc nâng lãi suất cho vay tái cấp vốn; nâng lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng; bán rẻ trái phiếu chính phủ mà NHNN đang nắm giữ cho NHTM để thu tiền về…

Dù NHNN áp dụng một hay toàn bộ các biện pháp trên đều khiến cung tiền giảm, đồng nghĩa với việc giá vốn (lãi suất huy động) tăng và kéo theo giá bán vốn (lãi suất cho vay) tăng. Điều này ngược với mục tiêu hạ lãi suất mà Chính phủ đang đề ra. Cho dù chỉ thị 1875/CT-TTg mới giao NHNN nghiên cứu chính sách, cơ chế (chưa phải ban hành) nhưng cách nói đó đã bắn tín hiệu cho thị trường thấy Chính phủ sẵn sàng đột ngột thắt chặt tiền tệ. Điều này đã tạo nên tâm lý kỳ vọng/lo ngại lãi suất tăng trong ngắn hạn trong các thành viên tham gia thị trường khiến cho mục tiêu hạ mặt bằng lãi suất kinh doanh càng trở nên khó khăn. Đó là chưa kể nếu tình huống buộc NHNN quyết định thắt chặt ngay tiền tệ thì CSTT vẫn phải có độ trễ (khoảng 3 – 6 tháng. Trong khi đó tác động của tín hiệu chính sách thì lại ngay lập tức phát huy. Một chuyên gia tài chính nói: “Chưa biết chừng với thông tin này, tiền NHTM đã cho vay doanh nghiệp/ cá nhân rồi chưa thu hồi vốn về được thì người gửi tiền đã lại yêu cầu lãi suất cao, rút tiền ở NHTM này để gửi NHTM khác và thị trường lại lộn xộn mất thôi”.

Vẫn biết Chính phủ đang cố gắng kiềm chế lạm phát nhưng trong cùng một thời điểm lại đặt ra những mục tiêu mang tính mâu thuẫn và xung đột nhau. Điều này đang đặt trách nhiệm rất khó thực hiện cho NHNN nếu một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không đạt được năm nay. Tỷ lệ lạm phát 8% bị vượt mức NHNN sẽ phải chịu trách nhiệm vì Chính phủ đã yêu cầu NHNN tìm cách giảm cung tiền. Nếu NHNN giảm cung tiền thì khó có thể giảm lãi suất xuống mức huy động 10% và cho vay 12%. Lãi suất cho vay không giảm thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế khó đạt. Lúc đó, NHNN sẽ phải giải trình trước Quốc hội về sự bất lực này. Trong bất cứ tình huống nào xảy ra vào cuối năm 2010 thì NHNN cũng khó lòng tránh khỏi bị chỉ trích, vì đã không hoàn thành mục tiêu CSTT cho năm 2010.

Trí Dũng

http://www.sgtt.com.vn/Goc-nhin/131292/Lam-sao-ngan-hang-thuong-mai-co-the-rut-nhanh-tien-ra-khoi-luu-thong.html 

Posted in Tin Tài chính- Tiền tệ | Leave a Comment »