Ngocngoctan chào các bạn

Just another WordPress.com weblog

Archive for Tháng Mười Hai, 2010

Nợ nần đang “chôn sống” đồng euro!

Posted by ngocngoctan trên 29/12/2010

Thứ Tư, 29/12/2010, 07:53 (GMT+7)

Nợ nần đang “chôn sống” đồng euro!

TT – “Đồng euro đang tuột giá tuần lễ thứ ba liên tiếp so với đồng USD như là dấu chỉ của việc một số nước có thể không có khả năng trả nợ, càng mất tín nhiệm tín dụng. Đồng tiền chung châu Âu nay tuột giá so với 14-16 đồng tiền khác sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn còn chia rẽ về cách thức giải cứu cuộc khủng hoảng ở Hi Lạp và Ireland…”.

Người biểu tình Ireland mang biểu ngữ phản đối việc chính phủ nhận cứu trợ nước ngoài trước tòa nhà quốc hội tại Dublin ngày 15-12 – Ảnh: Getty Images

Mẩu tin tài chính của Bloomberg hôm lễ Giáng sinh phản ánh bối cảnh của một luồng tâm lý đang “lên” ở châu Âu: chạy trốn khỏi đồng euro! Tâm lý này được AFP ngày 15-12 mô tả: “Đồng euro đã bị kết án (tử) rồi!”. Tạp chí Marianne của Pháp ngày 20-12 chạy tít “Đồng euro, mạnh ai nấy chạy thôi!”. Cùng ngày, tờ Le Figaro la làng: “Cơn điên loạn chạy trốn đồng euro!” và hô hào ngược lại: “Những kẻ chủ trương bỏ đồng euro có thật sự nghĩ rằng một đồng franc Pháp mới sẽ giúp chúng ta tự vệ tốt hơn trong tình trạng cô độc huy hoàng ấy? Ai có thể tin được rằng quay trở lại đồng franc là đủ để tái công nghiệp hóa đất nước trong một thế giới như hiện nay?”. Vấn đề đặt ra đã quá rõ: không chỉ do công nợ đang là bao nhiêu mà còn là sẽ cạnh tranh như thế nào để sống còn trong thế giới như hiện nay?

“Thế giới hiện nay” ra sao? Website http://www.questionchine.net/ của người Trung Quốc hãnh diện trả lời hôm 26-12: “Sau thượng đỉnh Á – Âu tháng 10 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Khương Du từng nhắc lại rằng Bắc Kinh sẵn lòng giúp đỡ các nước khu vực đồng euro ra khỏi khủng hoảng và khôi phục thành công kinh tế. Chẳng hạn như mua lại 5 tỉ euro nợ nần của Bồ Đào Nha!”. Website này còn khoe: “Bắc Kinh, vốn đang có quả đấm là 2.648 tỉ USD dự trữ, đang quan sát các khó khăn tài chính của châu Âu, nhất là khi các khó khăn này đang mở ra những vận hội tài chính, kinh tế và cả chính trị…”.

“Vận hội tài chính, kinh tế và cả chính trị” này là gì? 110 năm trước, ngày 14-8, Trung Quốc chịu mất Bắc Kinh sau vụ nổi dậy 55 ngày của phe “quyền phỉ”. Quyền cước của giới võ lâm so làm sao được với súng ống của liên quân Âu – Mỹ, để rồi năm sau Từ Hi thái hậu phải cúi mình trước hòa ước Tân Sửu! 110 năm sau, với 2.648 tỉ USD thặng dư dự trữ, đến lượt Trung Quốc đợi EU giãy chết để thí cho vài tỉ euro hay USD (có gì khác?) cùng với cái “thòng lọng” cũng đủ để trả hận năm xưa!

Vài tỉ USD hay euro cũng đủ để “bán linh hồn” rồi. Bằng cớ là nước Pháp vừa bán cho Nga hai tàu đổ bộ và chỉ huy Mistral cùng các bí mật quân sự kèm theo, một hành động “đâm sau lưng” NATO chỉ để đổi lấy “công ăn việc làm cho 1.000 người trong vòng bốn năm”, theo giải thích của Phủ tổng thống Pháp! Pháp có đến 2.564.900 người thất nghiệp, vậy sẽ còn phải “bán độ” bao nhiêu máy bay, tàu chiến nữa cho đủ?

May mà Pháp còn có sản phẩm kỹ thuật cao để mà bán, chứ hầu hết các nước EU khác lấy gì bán để cứu 21 triệu người thất nghiệp? May mà Pháp còn là một trong hai “đầu máy” đang kéo chuyến xe lửa EU cùng với Đức. Pháp chưa “chết dở” như Hi Lạp, Ireland, Tây Ban Nha… song cũng đang “sống dở” – ngày 1-1 tới, lương tối thiểu tăng từ 8,86 lên 9 euro/giờ, tức 1.365 euro/tháng, trừ thuế còn lại 1.073 euro làm sao sống! “Đầu máy” Đức dù có của ăn của để, song nay đang cố kéo cày trả nợ giùm các nước kia, cũng đang sợ đến lượt mình kiệt sức!

Tất nhiên, việc “giải thể” đồng euro vẫn chưa có gì hiển hiện, song ít nhất Tổng thống Pháp Sarkozy đã phải đăng đàn để bảo vệ đồng tiền đang mất giá lẫn mất niềm tin này:Ý tưởng rút khỏi đồng euro là không thể hình dung được và là vô trách nhiệm. Đồng euro chính là trái tim của châu Âu. Giải thể đồng euro chính là giải tán châu Âu…!”. Từ kẻ cho viện trợ nay có nguy cơ trở thành kẻ đi vay nợ. Thế cho nên ông Sarkozy mới hét vào mặt các đồng sự “chuyên gia vay nợ”: “EU cần hợp nhất chính sách!”, tức là các ông nên bớt chủ quyền kinh tế quốc gia đi để chấp hành lệnh giải cứu! Thà là “nhục với nhau” còn hơn là nhục với người ngoài!

Năm 1901, nhà Thanh phải chịu nhục ký với Âu – Mỹ hòa ước Tân Sửu. Năm tới Tân Mão, EU sẽ phải ký “nợ ước” gì để chữa chạy bệnh “vung tay quá trán” đã qua?

DANH ĐỨC

http://tuoitre.vn/The-gioi/418012/No-nan-dang-%E2%80%9Cchon-song%E2%80%9D-dong-euro.htmlhttp://tuoitre.vn/The-gioi/418012/No-nan-dang-%E2%80%9Cchon-song%E2%80%9D-dong-euro.html

————————————–

Nếu từ bỏ đồng Euro, nước Pháp sẽ ra sao?

28/12/2010 09:53 (GMT+7)

Nhiều ý kiến cho rằng, Eurozone sẽ sụp đổ.

Tờ Le Figaro cho rằng, nếu nước Pháp từ bỏ đồng Euro, thì đây sẽ là một kịch bản đầy tai họa, khó có thể hình dung

Theo tờ Global Study, ngay cả khi có Quỹ bình ổn tài chính châu Âu lên tới 1.000 tỷ Euro, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn ở bên bờ vực sụp đổ vì các ngân hàng đòi hỏi thanh toán tới 3.000 tỷ Euro.

Giới phân tích cho rằng, Eurozone vẫn đang có nguy cơ đứng bên bờ vực sụp đổ, nếu Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thậm chí cả Italia, cũng cần được cứu trợ như Hy Lạp  và Ireland. Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Liên minh châu Âu (EU) và những người có trách nhiệm đã đẩy châu Âu sa vào một cái “bẫy” tài chính – kinh tế.

Cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu hiện chưa được giải quyết và sẽ không được giải quyết bằng các chính sách hiện nay. Một khi Ireland và Hy Lạp từ bỏ đồng Euro, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và thậm chí cả Italia cũng có thể bị buộc phải làm như vậy. Điều đó có nghĩa là đồng Euro sẽ không thể tồn tại.

Khi đó, các nước này bắt buộc phải thực thi việc kiểm soát tiền tệ và ấn định giá trị đồng nội tệ thấp để tăng sức cạnh tranh. Tiến trình phục hồi sẽ mất 5 – 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Các nước sẽ trở lại dùng đồng tiền mới, tái thiết các nền kinh tế và thị trường. Chu kỳ mới sẽ lại bắt đầu.

Trang tin của đài RFI dẫn bản tin trên nhật báo Le Figaro hôm 21/12 cho rằng, nếu nước Pháp từ bỏ đồng Euro, thì đây sẽ là một kịch bản đầy tai họa, khó có thể hình dung đối với nước này.

Le Figaro cho rằng, nếu Eurozone tan rã, các nước quay trở lại với đồng tiền quốc gia trước đây, thì sẽ dẫn đến nạn suy thoái trên toàn châu Âu, kể cả nước Đức. Riêng đối với Pháp, sản xuất sẽ bị sụt giảm 10%, tỉ lệ thất nghiệp sẽ là 13,8%.

Về vấn đề này thì “không có kế hoạch B”. Đó là câu trả lời dứt khoát từ Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Pháp, hai cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tình hình nếu Eurozone tan rã. Theo hai cơ quan trên, kịch bản này là tệ hại nhất. Chỉ có Mark Cliffe, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng ING đưa ra những con số cụ thể.

Le Figaro nhắc lại trường hợp của Argentina cuối năm 2001, đã quyết định chấm dứt hệ thống tỉ lệ chuyển đổi cố định giữa đồng peso và USD, sau đó peso mất giá đến 55%. Tổng sản phẩm nội địa giảm 11%, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 20%, và tỉ lệ lạm phát 40%. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu châu Âu có tồn tại nếu đồng tiền chung biến mất ?

Điều chắc chắn là thị trường sẽ ra tay trước, và theo dự đoán của ông Mark Cliffe, thì đồng Euro sẽ sụt xuống chỉ còn tương đương với 0,85 USD. Nhiều khó khăn khác nảy sinh như vấn đề chuẩn bị cung cấp lượng tiền mới, kiểm soát vốn đầu tư tại châu Âu…

Riêng với Pháp, thì năm đầu tiên GDP sẽ giảm 4%, và tính chung trong vòng ba năm là 10%. Nạn giảm phát sẽ làm cho thất nghiệp của Pháp lên 13,8%, còn Tây Ban Nha lên đến 25,5%. Giá cả giảm xuống, tiền lương cũng giảm, và lãi suất trái phiếu Pháp và Đức thời hạn 10 năm chỉ còn có khoảng 1%.

Xăng dầu sẽ đắt đỏ hơn, giá một lít xăng sẽ tăng lên đến 1,75 Euro. Thị trường tài chính sẽ phải đóng cửa một tuần lễ, việc thanh toán quốc tế sẽ bị kiểm soát và tạm ngưng một thời gian cần thiết.

Tờ báo nhắc lại trước đây, Argentina đã phải giới hạn việc rút tiền của các cá nhân tối đa 250 đô la một tuần, và sau đó phải tạm ngưng. Tỉ lệ chuyển đổi được Argentina ấn định có lợi cho người vay tiền hơn là với người gởi tiền tiết kiệm, khiến các ngân hàng bị mất quân bình, chính phủ phải trợ cấp để ngân hàng khỏi phá sản.

Còn với nước Pháp, hai phần ba trong tổng số nợ công 1.200 tỉ Euro đang do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, Pháp sẽ thiệt hại nặng nề nếu “đồng Franc mới” bị sụt giá so với “đồng Euro cũ”.

Le Figaro lo ngại, nợ chính phủ tính bằng Euro vốn đã quá nặng, khi đồng tiền mất giá thêm thì sẽ ra sao ? Làm thế nào tránh được sự phá sản của các ngân hàng ? Ai sẽ bảo vệ cho nước Pháp chống nạn siêu lạm phát, và ai có thể tin được là việc quay trở lại với đồng quan là đủ để tái công nghiệp hóa, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay ?

Ngoài ra, liệu việc từ bỏ đồng Euro có là tiếng chuông báo hiệu sự tan rã của EU? Theo Le Figaro, Hiệp ước Lisbon đã nói rõ đây là một “liên minh kinh tế và tiền tệ, trong đó đồng tiền sử dụng là Euro”. Và như vậy, quay mặt với đồng tiền chung Euro cũng là kết thúc EU.

Trong khi đó, mới đây, giới phân tích và các nhà đầu tư nhận định, Pháp có nguy cơ mất mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA sau khi một loạt quốc gia Eurozone bị hạ bậc tín nhiệm và đưa vào diện xem xét hạ bậc do khủng hoảng nợ công châu Âu. Hiện Pháp là nước nắm giữ nhiều trái phiếu của các quốc gia Eurozone nhất.

Ông Toby Nangle, người giám sát 46 triệu USD tài sản tại Baring Asset Management, London nhận định: “Từng quốc gia có thể lần lượt bị hạ bậc trong năm tới. Nếu Pháp bị mất mức tín nhiệm AAA, đây là một việc hết sức nghiêm trọng. Theo tôi, khả năng tụt bậc tín nhiệm sẽ không được phản ánh trên thị trường”.

Ông Padhraic Garvey, người đứng đầu bộ phận chiến lược nợ của các thị trường phát triển tại ING Bank NV, Amsterdam cho rằng Pháp rất dễ tụt bậc tín nhiệm nếu nước này không thực hiện các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh tay.

Trong khi đó, theo ông Markus Ernst, chiến lược gia tín dụng tại UniCredit SpA, Munich, các ngân hàng Pháp là tổ chức nắm giữ nợ của các quốc gia Eurozone nhiều nhất. Điều này có thể dẫn đến các rủi ro hệ thống.

Theo số liệu từ Tổ chức nghiên cứu thị trường vốn CMA tại New York, chi phí bảo hiểm trái phiếu Chính phủ Pháp đã tăng gấp 3 lần trong năm nay lên khoảng 1.02% và từng chạm mức kỷ lục 1.05% vào ngày 30/11. CMA cho biết CDS của trái phiếu Pháp hiện tương ứng với mức xếp hạng Baa1, thấp hơn 7 bậc so với mức xếp hạng của Moody’s.

http://vneconomy.vn/20101227094224555P0C99/neu-tu-bo-dong-euro-nuoc-phap-se-ra-sao.htm

Posted in Tin Tài chính- Tiền tệ | Leave a Comment »